Những điều cần biết về bệnh do virus Adeno và cách phòng tránh
Adenovirus - loại virus phổ biến trên thế giới có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có xu hướng bùng phát mạnh ở nước ta. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng và hoang mang. Dưới đây là những thông tin quan trọng về Adenovirus mà bố mẹ nên nắm rõ để bảo vệ sức khỏe trẻ.
Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G, trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Adenovirus cùng các virus khác như virus hợp bào, cúm là các virus lưu hành quanh năm, tùy theo điều kiện mà lây bệnh cho người ít hay nhiều.
Đường lây nhiễm của Adenovirus
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8 - 12 ngày.
Khi xâm nhập vào cơ thể, ban đầu Adenovirus sẽ gây ra các triệu chứng cúm, viêm hô hấp thông thường như: sốt cao, nhức đầu, đau mình... Sau đó có thể dẫn đến các biến chứng như: suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen phế quản… Nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, tổn thương não, viêm não...
Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. Virus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Khi nhiễm Adenovirus, trẻ sẽ có triệu chứng, biểu hiện gì?
Khi nhiễm Adenovirus trẻ sẽ có các triệu chứng như: nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp. Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do virus Adeno sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè. Tùy theo thể trạng, có trẻ diễn tiến nhẹ nhàng, có thể tự khỏi, nhưng vẫn có trẻ sẽ có biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt. Những trẻ trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây và lây lan nhanh trong cộng đồng cũng như dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường, sẽ gây chủ quan. Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các tổn thương thường gặp nhất khi nhiễm virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), một số bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…). Ngoài ra, virus này cũng gây bệnh viêm gan, viêm dạ dày, viêm não, màng não và viêm bàng quang, đặc biệt là ở bé trai.
Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi, nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó cha mẹ cần theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ, khi thấy trẻ có biểu hiện chuyển nặng như thở rút lõm ngực, rối loạn tri giác, lừ đừ... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị đúng cách, kịp thời.
Điều trị bệnh do virus Adeno gây ra
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Adeno gây ra. Đối với những trường hợp nhiễm virus thể nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ cho trẻ uống thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và theo dõi biến chứng bội nhiễm, viêm phổi để có biện pháp điều trị hỗ trợ kịp thời.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus chỉ được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt, bệnh nặng, suy giảm miễn dịch và phải do bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Về chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt, nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giảm đau họng.
Về chăm sóc dinh dưỡng, trẻ có thể khó chịu, quấy khóc, khó ăn uống. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà, súp gà…
Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn cần chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn ít một để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh do Adenovirus gây ra hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điệu trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do virus, vì đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi, ngoài nguy cơ chuyển nặng cao ở những trẻ có bệnh nền, thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Để phòng lây nhiễm vius Adeno, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cũng như tăng sức để kháng cho trẻ, tiêm vắc xin phòng cúm. Với trẻ nhỏ tháng nên cho uống vitamin A 6 tháng/lần tại trạm y tế, rửa tay thường xuyên, khi ho nên che miệng, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Khi bị nhiễm virus Adeno không nên tiếp xúc gần với nhiều người, nhằm tránh lây lan virus cho cộng đồng. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.